Tại một số diện tích đã thu hoạch, năng suất ngô trung bình đạt 18,1tấn/ha. Theo đánh giá của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, số diện tích này chưa phản ánh đúng thực tế năng suất. Nguyên nhân mật độ xuống giống ở các diện tích ngô đã thu hoạch chưa bảo đảm, cây ngô sinh trưởng, phát triển chưa đồng đều dẫn đến giảm năng suất. Mặc khác người dân đang sử dụng giống ngô lai sẵn có ở địa phương để sản xuất. Nếu sử dụng các giống mới như: CT888; CT 9999 và áp dụng đúng quy chuẩn về mật độ, khâu chăm sóc, năng suất có thể đạt gấp đôi hoặc cao hơn nhiều. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của hướng đi này được xem là khả quan, giúp người nông dân ổn định sản suất, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Bởi một vụ trồng ngô làm thức ăn cho gia súc chỉ kéo dài trong khoảng 70-80 ngày, một năm người dân có thể sản xuất được 3 vụ. Còn đối với sản xuất ngô truyền thống lấy hạt, một năm người dân chỉ có thể sản xuất được một vụ. Vụ còn lại do mưa lạnh, cây trổ cờ nhưng không thể đậu hạt. Việc trồng ngô lấy hạt của người dân còn phải chịu nhiều rủi ro về thời tiết khô hạn, bị thú rừng phá hoại, ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng, thậm chí có những diện tích còn mất mùa, nhất là giá cả thị trường thường bất ổn, được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Với việc trồng ngô làm thức ăn cho gia súc, chi phí sản xuất và nhân công lao động thấp, hạn chế rủi ro, hơn nữa mùa mưa không bị ảnh hưởng nhiều về gieo trồng. Giá thu mua hiện nay ngay tại chân ruộng là 700 nghìn đồng/tấn, người đăng ký trồng ngô có thu nhập khoảng 13 đến 18 triệu đồng một ha/vụ. So với cấy lúa, tăng khoảng 10 đến 12 triệu đồng/năm. Còn so với cây mỳ, ngoài hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, người trồng ngô đỡ vất vả hơn nhiều, khâu thu hoạch không mất mấy công sức do doanh nghiệp thu mua ngay tại chân ruộng. Người nông dân chỉ việc thu hoạch, cân và thu tiền. Ngoài ra công ty còn hỗ trợ tiền bốc xếp vận chuyển lên xe 30 nghìn đồng một tấn. Tuy là vụ thu mua đầu tiên, diện tích thu mua chưa nhiều, nhưng đã tạo được sự quan tâm chú ý của rất nhiều nông dân đến xem và đăng ký trồng bán cây ngô cho Công ty làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
Được biết Công ty Dược liệu và thực phẩm Măng Đen hiện đang triển khai nuôi 3.000 con dê sữa nên nhu cầu nguồn thức ăn là rất lớn, trung bình khoảng 7 tấn thức ăn/ngày. Sắp tới công ty còn dự kiến mở rộng quy mô, số lượng nuôi thêm vài nghìn con. Do đó, nhu cầu thu mua cây ngô làm thức ăn chăn nuôi cũng sẽ tăng lên. Còn theo báo cáo của UBND huyện Konplông, địa phương hiện có khoảng 1.600 ha ngô. Theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ngành kinh tế mũi nhọn của huyện giai đoạn 2016- 2020 sẽ phát triển diện tích ngô lên 2.000 ha, vì vậy nguồn cung cũng khá dồi dào. Mới đây một doanh nghiệp của Nhật Bản cũng đang khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư để triển khai dự án trồng ngô, nuôi bò sữa tại địa bàn với số lượng trước mắt khoảng 4.000 con. Nếu dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm thức ăn cho gia súc được xúc tiến thì đây thực sự là cơ hội tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân của huyện. Khi đó cùng với việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, các tiêu chí số 10, số 11 và số 12 về thu nhập, hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Konplông chắc chắn cũng sẽ đạt được kế hoạch đề ra.