Tại Hội thảo, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Nam bộ đã giới thiệu nội dung và cơ chế đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời nêu ra lợi ích của việc đào tạo nguồn nhân lực kết nối với doanh nghiệp và phân tích thực trạng đào tạo nghề cho lao động tại địa phương.
Theo phân tích của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực dạy nghề tại hội thảo, trong kết nối đào tạo nghề cho lao động, nhà trường sẽ nắm được thông tin từ doanh nghiệp về nhu cầu việc làm, qui trình sản xuất đang áp dụng, từ đó nhà trường sẽ điều chỉnh mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra cho người lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể đặt hàng cho nhà trường, cùng với nhà trường nghiên cứu, sản xuất, phát triển các sản phẩm mới phục vụ thị trường. Đối với người học, được tiếp cận với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, giúp cho người học nhanh chóng hình thành những kỹ năng cần thiết, phù hợp với vị trí việc làm tại doanh nghiệp. Nhờ vậy, chất lượng và hiệu quả của hệ thống đào tạo được nâng cao, tránh lãng phí về đầu tư cho đào tạo nghề.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm bày tỏ mong muốn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động. Đề nghị các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần có chiến lược phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tham gia giảng dạy kỹ năng sản xuất kinh doanh giúp học viên tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đào tạo lại cho người lao động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo mô hình đào tạo nghề liên kết 03 bên: doanh nghiệp với lao động và đơn vị đào tạo./.