Tham dự hội thảo có lãnh đạo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ tỉnh KonTum; đại diện các Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, các ban ngành có liên quan của huyện.
Tại hội thảo, nhóm Nghiên cứu của Trường Cao đẳng Công nghiệp và Nông lâm Nam Bộ đã báo cáo đặc điểm sinh thái và giá trị của cây cáng lò. Theo đó, cây Cáng lò là loài cây gỗ lớn, rụng lá theo mùa, trong điều kiện tự nhiên, cây có thể cao tới 30m. Thân tròn, thẳng, vỏ màu nâu đỏ, nhẵn. Khi về già vỏ bong vảy hoặc bong mảng. Vỏ có mùi thơm dễ chịu do chứa tinh dầu thơm
Ở Việt Nam, cây Cáng lò thường mọc tự nhiên ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu và một số tỉnh Tây Nguyên như: Gia Lai, Kon Tum. Tại Kon Tum, cây phân bố ở một số huyện như: Sa Thầy, KonRẫy, KonPlông. Cáng lò được trồng ở độ cao từ 300m-1.000m so với mực nước biển. Gỗ thuộc nhóm VI trong bản phân loại của Bộ Lâm nghiệp năm 1977. Đây là loại gỗ có tính chất cơ học tương đối cao nên thường được sử dụng trong sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất và trong xây dựng, đóng thùng, bào bì, làm nông cụ v.v..
Tham gia thảo luận, các đại biểu cho rằng “chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay thế rừng trồng cây thông bằng cây Cáng lò tại huyện KonPlông” là hết sức cần thiết. Qua đó, nhằm xây dựng được hệ thống rừng ổn định, vừa đảm bảo chức năng cung cấp lâm sản, vừa bảo vệ vốn rừng, bảo tồn thiên nhiên. Đồng thời, phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ của rừng, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống./