banner
Thứ 3, ngày 1 tháng 4 năm 2025
Huyện Kon Plông những chuyển biến mạnh mẽ từ Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm
17-3-2025
Sau 4 năm triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, huyện Kon Plông đã ghi nhận những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và đời sống của người dân.
                                            
Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Kết luận số 08-KL/TU về Cuộc vận động, Huyện ủy Kon Plông đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch hành động cụ thể, chỉ đạo quyết liệt từ cấp huyện đến cơ sở. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của huyện được thành lập, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị. Chính quyền huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Các cấp chính quyền còn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế hộ. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai các mô hình điểm, tạo động lực để người dân học hỏi, làm theo. Từ đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế được bà con nhân dân thực hiện có hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động; Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực triển khai Cuộc vận động đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Mặt trận đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy trong lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Các hình thức tuyên truyền cũng được đổi mới, đa dạng hơn, từ phát tờ rơi, xây dựng chuyên đề trên các phương tiện truyền thông, đến tuyên truyền trực tiếp tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, phiên tòa giả định. Nhờ đó, bà con đã từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thay vào đó là ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, Mặt trận còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng triển khai các mô hình điểm như mô hình liên kết trồng chè, cà phê, dược liệu; mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã…
                                       
Nếu như trước đây, bà con chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, phụ thuộc vào thiên nhiên thì nay đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Các mô hình trồng cây dược liệu, rau củ ôn đới, chè, cà phê xứ lạnh phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân từ bỏ thói quen chăn thả rông, chuyển sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Chuồng trại được xây dựng kiên cố, nguồn thức ăn được chủ động bằng cách trồng cỏ, dự trữ rơm rạ. Các mô hình nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi vịt xiêm, heo đen, gà làng… ngày càng phát triển. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể. Người dân nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe, quan tâm hơn đến việc học tập của con em. Nhiều hộ gia đình đã biết bố trí góc học tập cho con, mua sắm sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ.
                                      
Song song với phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Kon Plông cũng tập trung khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả đã được triển khai tại các địa phương, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh như: thôn Kon Vơng Kia, thôn Kon Pring (thị trấn Măng Đen): Phát triển du lịch homestay kết hợp với trải nghiệm văn hóa bản địa. Thôn Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng), khai thác du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với rừng nguyên sinh; thôn Kon Chênh (xã Măng Cành) xây dựng mô hình du lịch cộng đồng kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống, tổ chức các hoạt động trải nghiệm như dệt thổ cẩm, chế biến ẩm thực bản địa. Các mô hình này không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Có thể khẳng định, sau  4 năm triển khai, Cuộc vận động đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.  Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 44,4% (năm 2021) xuống còn 11,73% vào cuối (năm 2024). Tổng số hộ DTTS thoát nghèo đạt 2.426 hộ. Trong đó, năm 2023 có 1.013 hộ thoát nghèo và năm 2024 tiếp tục giảm thêm 804 hộ nghèo.

Trong thời gian tới, huyện Kon Plông sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con chủ động phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy nội lực để thoát nghèo bền vững. Sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng, sự đồng hành của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận và toàn thể hệ thống chính trị sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt để tạo nên những bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện./.
 

Nguyễn Thị Hằng ( MTTQVN Huyện)
Số lượt xem:156

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:



   
 
Chuyen doi so
 

 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 

 
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh

 
Hinh Anh
 


 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN KON PLÔNG - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Trưởng Ban biên tập: Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông
Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao -Du lịch & Truyền thông huyện Kon Plông.
Địa chỉ: Đường Nguyễn Huệ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 02603.848.175 ; Fax: 02603.848002; Email: ubndkonplong-kontum@chinhphu.vn.
Bản quyền thuộc về Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Chung nhan Tin Nhiem Mang
1576361 Tổng số người truy cập: 1508 Số người online:
Phát triển:TNC