banner
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Bàn giải pháp nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số
27-2-2024
Ngày 26/2, huyện Kon Plông tổ chức hội nghị đánh giá kết quả nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 06-5-2021của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum.
 



 
Dự hội nghị có đồng chí Đào Duy Khánh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh; Hội Khuyến học tỉnh, lãnh đạo một số phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn huyện.
 

 
Báo cáo tại hội nghị cho biết: Qua 03 năm thực hiện Kế hoạch số 156/KH-UBND, ngày 13/08/2021 của Ủy ban nhân dân huyện về việc thực hiện Chương trình số 22-CTr/HU ngày 22-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX về nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, chất lượng giáo dục học sinh vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao. Tỉ lệ huy động trẻ dân tộc thiểu số từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỉ lệ 99,9% vượt chỉ tiêu đề ra; học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học đạt tỉ lệ 98,4%; học sinh dân tộc thiểu số cấp THCS có học lực từ trung bình trở lên đạt tỉ lệ 96,36%.
 



 
Quy mô, mạng lưới trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, sắp xếp theo hướng tinh gọn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của địa phương. Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo huyện có 29 đơn vị trường trực thuộc với tổng số 6.943 học sinh. Trong đó, tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 87%. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên 724 người. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đáp ứng tốt công tác dạy học và đổi mới chương trình giáo dục.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được trang bị và cải thiện; công tác tu sửa, xây dựng mới các công trình trong trường học được các cấp thường xuyên quan tâm. Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Kon Plông đã huy động và bố trí hơn 25 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học trên địa bàn.

Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được đẩy mạnh, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa phụ huynh, chính quyền địa phương với nhà trường, góp phần duy trì sĩ số học sinh và xây dựng cảnh quan học đường ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hoạt động giáo dục đặc thù được các đơn vị trường tổ chức phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số và điều kiện của nhà trường; tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và giúp học sinh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như phát triển toàn diện năng lực cá nhân. Việc phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh thường xuyên được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện...
 



 
Tuy nhiên, công tác giáo dục trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn, như: việc trang bị các thiết bị dạy học tối thiểu đối với một số lớp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm; một số đơn vị trường còn thiếu giáo viên; tình trạng học sinh đi học không chuyên cần vẫn còn diễn ra; kĩ năng giao tiếp và vốn Tiếng Việt của học sinh còn hạn chế.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tăng cường vai trò của các tổ chức Đảng các cấp và các tổ chức, đoàn thể đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 06/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI.
 



 
Chú trọng triển khai xây dựng các mô hình điểm, kịp thời phát hiện và nhân rộng các cách làm hay, điển hình tiên tiến trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân, đặc biệt là của học sinh, cha mẹ học sinh đối với việc nâng cao chất lượng học sinh DTTS.

Củng cố, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp phù hợp; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh DTTS.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập của học sinh DTTS; Tăng cường quản lý công tác đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức các hoạt động đặc thù phù hợp với đối tượng học sinh và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.

Theo Kế hoạch số 156/KH-UBND, ngày 13/08/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông, mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số đến năm 2025, cụ thể như sau:

Sắp xếp, củng cố mạng lưới trường lớp tinh gọn đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh gắn với nâng cao chất lượng dạy học vùng DTTS; 100% các trường, điểm trường mầm non, phổ thông có công trình vệ sinh và hệ thống nước sạch; 100% trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú vùng DTTS đảm bảo điều kiện chăm sóc giáo dục đặc thù học sinh DTTS; 100% giáo viên công tác vùng DTTS đạt chuẩn đào tạo theo quy định và được đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS tại chỗ; 100% học sinh DTTS từ lớp 3 trở lên được học ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; đổi mới phương pháp dạy học và hoạt động giáo dục nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh DTTS.

- Đối với giáo dục Mầm non: Huy động trẻ em dân tộc thiểu số dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt tỷ lệ từ 20% trở lên; trẻ dân tộc thiểu số 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ từ 98,5% trở lên, trong đó tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,5%; 100% trẻ dân tộc thiểu số 3-5 tuổi học mẫu giáo được tăng cường và chuẩn bị tiếng Việt để vào học lớp 1; 60% trường mầm non vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia.

- Đối với giáo dục phổ thông: 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề; 80% học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia học đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc đào tạo nghề; trên 99,5% học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh dân tộc thiểu số được học ngoại ngữ, tin học từ lớp 3 trở lên; 99,8% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học cơ sở có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, trong đó hạnh kiểm tốt, khá từ 95% trở lên và 95% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học cơ sở có học lực từ trung bình trở lên, trong đó đạt khá, giỏi trên 25%; 99,6% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học phổ thông có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, trong đó hạnh kiểm tốt, khá từ 90% trở lên và 92% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học phổ thông có học lực từ trung bình trở lên, trong đó đạt khá, giỏi trên 30%; 95% học sinh dân tộc thiểu số toàn huyện tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp chương trình giáo dục trung học phổ thông đạt 97%; 80% trường tiểu học, 90% trường tiểu học-trung học cơ sở, 50% trường trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia./.
Mỹ Hòa - Phan Tình
Số lượt xem:1945

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Hinh Anh
 
 
Chuyen doi so
 

 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 

 
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh

 
Hinh Anh
 


 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN KON PLÔNG - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Trưởng Ban biên tập: Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông
Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao -Du lịch & Truyền thông huyện Kon Plông.
Địa chỉ: Đường Nguyễn Huệ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 02603.848.175 ; Fax: 02603.848002; Email: ubndkonplong-kontum@chinhphu.vn.
Bản quyền thuộc về Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Chung nhan Tin Nhiem Mang
1576361 Tổng số người truy cập: 606 Số người online:
Phát triển:TNC