Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo 1956 huyện Kon Plông phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện theo đề án 1956 là 500 lao động. Đã cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho 439 lao động, đạt 87,8% kế hoạch, trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp 431 người, nghề phi nông nghiệp 08 người. Số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trung cấp nghề theo Nghị quyết 30a là 25 học viên. Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã, trong năm, UBND huyện đã phối hợp với Sở Nội vụ triển khai bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 345 cán bộ công chức về các lĩnh vực: tư pháp, tôn giáo, văn hóa, xã hội...
Kết thúc các khóa đào tạo cho lao động nông thôn, học viên được tư vấn vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi để tự tạo việc làm tại hộ gia đình. Nhìn chung số lượng lao động được đào tạo đã vận dụng được kiến thức học nghề, vào thực tế chăn nuôi, sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế. Nhiều học viên sau khi học nghề đã được các doanh nghiệp nhận vào làm việc, có thu nhập ổn định.
Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra giám sát của tỉnh nhận định: Một số ngành liên quan của huyện và các xã chưa thật sự vào cuộc quyết liệt trong công tác đào tạo nghề. Một số lao động nông thôn, nhất là lao động trẻ chưa nhận thức được ý nghĩa của việc đào tạo nghề là một nhu cầu, một yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bản thân, cho gia đình, vì vậy chưa quan tâm đến việc học nghề. Ban chỉ đạo 1956 của tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo 1956 của huyện quan tâm việc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm do học viên được đào tạo nghề làm ra, cũng như sản phẩm của người dân nói chung. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con./.