Nhận thấy cây Sâm dây là một loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu trên địa bàn huyện. Ngay từ đầu Dự án, Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên huyện Kon Plông đã chỉ đạo cán bộ Tư vấn của Ban phối hợp với Ban Phát triển xã Măng Bút vận động người dân tham gia thành lập các nhóm Leg trồng cây Sâm dây. Bước đầu Dự án hỗ trợ cho bà con về cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sâm dây,.... Cho tới thời điểm hiện tại, Ban Phát triển xã Măng Bút đã thành lập được 08 nhóm Sâm dây, cụ thể năm 2016: 03 nhóm ( thôn Đắk Y Bay, Đắk Lanh, Đắk Chun), 2017: 03 nhóm ( thôn Đắk Chun nhóm 2, Kô Chất nhóm 1, Ko Chất nhóm 2), 2018: 02 nhóm ( Đắk Chun nhóm 3, Kô Chất nhóm 3) với tổng số thành viên là 128 người, diện tích: 8ha. Sau khi tiến hành thu hoạch tại các thôn, Ban Phát triển xã ước đạt trung bình khoảng từ 1,5 – 2 tạ/sào, giá trị hiện tại khoảng từ 120.000 – 150.000đ/kg, mỗi một sào tổng thu nhập của bà con khoảng từ 20 – 30 triệu đồng. Ngoài ra, bà con còn tận dụng được những củ nhỏ để làm giống cho vụ sau và thu hoạch lá để sử dụng hoặc bán cho thương lái.
Từ giá trị thực tế đem lại của cây Sâm dây, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên huyện Kon Plông hi vọng trong thời gian tới loại hình sản xuất này sẽ được nhân rộng không chỉ tại xã Măng Bút mà còn được thực hiện trên phạm vi toàn huyện nhằm mở ra một hướng sản xuất mới hiệu quả cho bà con nông dân trên địa bàn.