Kon Plông nâng cao năng suất, chất lượng và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa, gạo bền vững
Ngày 12/9/2024, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông ban hành Chỉ thị số 02 CT/UBND về nâng cao năng suất, chất lượng và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa, gạo bền vững trên địa bàn huyện.
Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm qua, diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện giữ ổn định 3.370 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 1.965 ha, diện tích gieo trồng hằng năm trên 3.600 ha với sản lượng trên 13.600 tấn cơ bản đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Tuy nhiên, ngành sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục như: phần lớn lúa trồng một vụ, hệ số sử dụng đất trồng lúa đạt thấp, nguồn giống thoái hóa, năng suất, sản lượng, chất lượng lúa gạo kém. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất lúa gạo chưa phổ biến; chưa chủ động được nguồn vật tư đầu vào, giá cả chưa được kiểm soát chặt chẽ, luôn ở mức cao, tỷ lệ cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, ngược lại giá trị lúa gạo thấp, mặt hàng lúa gạo của huyện chưa có thương hiệu và tính cạnh tranh; diện tích sản xuất manh mún, chưa hình thành vùng chuyên canh tập trung cũng như thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp để hỗ trợ và phát triển mặt hàng lúa gạo hướng tới phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ…
Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa trên địa bàn huyện.
Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát định hướng quy hoạch, phát triển, hoàn thiện bản đồ các vùng trồng, sản xuất lúa hàng hóa tập trung; Thực hiện dồn điền đổi thửa tạo cánh đồng lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất đảm bảo mục tiêu sản xuất lúa gạo hằng năm đề ra.
Khẩn trương triển khai xây dựng các vùng trồng chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/HU ngày 24 tháng 4 năm 2023 của Huyện uỷ. Phối hợp với địa phương cơ sở tuyên truyền vận động nông dân tăng cường, đẩy mạnh sản xuất diện tích lúa hai vụ nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất trên cùng đơn vị diện tích.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Kết hợp với các viện, trường trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã nghiên cứu đạt hiệu quả để tư vấn, hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật canh tác cải tiến; Nghiên cứu, khảo nghiệm, cải tạo, bảo tồn phát triển giống gạo đỏ chất lượng có giá trị kinh tế cao; Lựa chọn, đưa các loại giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp khí hậu thổ nhưỡng vào sản xuất dần thay thế các nguồn giống bản địa đã thoái hoá kém năng suất, chất lượng.
Tham mưu thực hiện quản lý, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi bảo đảm nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp; Thực hiện các biện pháp cải tạo đồng ruộng, nâng cao dinh dưỡng đất đai thổ nhưỡng; Đẩy mạnh chuyển đổi số, lắp đặt thiết bị theo dõi quan trắc tình hình biến động các yếu tố môi trường đất và nước vùng trồng lúa nước; Ứng dụng mạnh mẽ cơ giới hóa trong sản xuất lúa, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm công lao động và gia tăng giá trị hàng hóa.
Phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các phòng ban liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển chế biến lúa gạo thành các sản phẩm giá trị cao; Thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân và thương nhân triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường công tác bảo quản, chế biến đáp ứng các quy định của các thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc; Nâng cao năng lực tổ chức của các hợp tác xã, tháo gỡ khó khăn, xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bảo đảm chất lượng và phát huy tối đa lợi nhuận của chuỗi giá trị; Nghiên cứu xây dựng thương hiệu lúa gạo giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường, bảo đảm chất lượng cao và ổn định, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các xã, thị trấn áp dụng các giải pháp kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM…, dùng giống lúa tốt trong sản xuất lúa để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng sâu bệnh và thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và thay đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân.
Chủ trì, phối hợp với trường, viện tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến và thực hiện các quy trình canh tác; Kỹ thuật sau thu hoạch; Thị trường, kinh doanh nông nghiệp; Tiếp thị, quảng bá… cho cán bộ kỹ thuật địa phương và nông dân.
Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo đạt mục tiêu sản xuất hằng năm đề ra.
Phòng Kinh tế và Hạ tầng: Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng lúa, gạo.
Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa các 3 “thương lái” vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp; Triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng, phát triển thương hiệu Gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo chất lượng cao Kon Plông ra các thị trường trong và ngoài tỉnh.
UBND các xã, thị trấn chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa tạo cánh đồng lớn, quy hoạch vùng chuyên canh tập trung trồng lúa chất lượng cao trên địa bàn. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.
Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng, thực hiện các mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật canh tác cải tiến; Thâm canh tăng vụ; Ứng dụng cơ giới hoá; Lựa chọn các loại giống lúa mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện sinh thái vào sản xuất dần thay thế giống lúa năng suất kém hiện nay.
Lồng ghép các chương trình, dự án, phát triển hợp tác xã, các tổ hợp tác huy động các nguồn lực hợp pháp khác để tổ chức triển khai có hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, phân phối sản phẩm lúa, gạo trên địa bàn; Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, thực hiện các giải pháp đa dạng hóa nguồn cung vật tư đầu vào phục vụ sản xuất.
Chủ động nắm bắt thông tin, các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo của các cấp, các ngành liên quan để tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân, thương nhân trong công tác đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị này.
Mỹ Hòa
Số lượt xem:485
0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight
BÀI VIẾT LIÊN QUAN: