banner
Thứ 2, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Kon Plông sức sống cồng chiêng
21-2-2018

Linh thiêng báu vật Cồng chiêng

     Ngồi bên những chiếc cồng chiêng cổ của gia đình lưu giữ mấy chục năm nay, già làng A Nuông đã ngoài 70 tuổi, trú tại làng Măng Khênh, xã Măng Cành tâm sự: Bộ cồng chiêng này gia đình mình mua đã mấy chục năm nay rồi, từ cái thời mình đang còn trai trẻ. Trải qua biết bao thời gian sử dụng, nhưng đến nay, bộ cồng chiêng này mỗi khi đánh lên âm vang của nó vẫn còn đồng vọng, ai nghe cũng thích thú. Dù bây giờ kinh tế gia đình còn nhiều chật vật, nhưng mình không bao giờ nghi tới việc đem bán nó cả, bởi vì mỗi khi đánh lên, tiếng cồng chiêng này rất linh thiêng, như mời gọi các linh hồn kiếp trước trở về đây giúp dân làng mình sức khỏe và làm ăn khấm khá hơn.  

Già làng A Nuông, cùng các nghệ nhân thôn Kon Chênh, xã Măng Cành

     Ông A Ben - nghệ nhân đánh cồng chiêng làng Kon Du, xã Măng Cành nhớ lại: Từ thuở nhỏ, mình đã được cha mình dạy cho cách đánh cồng chiêng. Lớn lên, mình say mê tiếng cồng chiêng lắm. Mỗi khi nghe trong làng ai đánh cồng chiêng là lòng mình nao nao khó tả. Vì thế, dù kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng mình vẫn theo anh em trong làng thường xuyên luyện tập, đồng thời truyền dạy cho con cháu đời sau tiếp tục học đánh cồng chiêng để bảo tồn nét văn hóa truyền thống độc đáo này của dân tộc mình.

     Anh A Uê - nghệ nhân đánh cồng chiêng thôn Kon Vơ Ke, xã Đăk Long trân trọng cho biết: Mình sinh ra là đã nghe tiếng cồng chiêng vọng từ mái nhà rông của làng cho đến tận cửa nhà. Tiếng cồng chiêng ngân dài, đôi lúc trầm xuống như tiễn đưa linh hồn của những người quá cố, đôi lúc nhặt khoan hòa vào tiếng rì rào của núi rừng bao la tạo ra âm thanh day dứt. Xứ lạnh Kon Plông với nét đượm buồn của người Mơ Nâm hài hòa với trời đất, nên tiếng cồng chiêng cũng thiết tha da diết. Vì thế, tiếng cồng chiêng là báu vật muôn đời mà người Mơ Nâm nơi đây luôn trân trọng giữ gìn. 

     Tha thiết với cồng chiêng, chị Y Lim – Đội trưởng Đội Cồng chiêng thôn Kon Bring, xã Đăk Long tự hào nói: Bao đời nay, cồng chiêng luôn gắn bó với người Mơ Nâm ở đây, nó là chiếc cầu nối thông linh giữa con người với thần linh và thế giới siêu nhiên và là phương tiện giao tiếp gắn kết cộng đồng. Nó như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu hết tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng: từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết…cho đến lễ cúng máng nước, mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới…Bởi vì thông qua tiếng cồng chiêng, người dân muốn gửi gắm tâm hồn, ước nguyện của mình tới các đấng thần linh và tổ tiên, đồng thời bày tỏ mong muốn, khát vọng của dân làng về mùa màng bội thu, sức khỏe, hạnh phúc.

     Bảo tồn giá trị cồng chiêng

     Từ khi Di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận đến nay, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kon Plông thường xuyên triển khai bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã trong huyện đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, ý nghĩa của cồng chiêng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, thường xuyên tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin, các hình thức quảng bá để các tầng lớp nhân dân hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cũng như tầm quan trọng, vị trí của việc bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng trong công cuộc xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

     Mặt khác, UBND huyện tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền về các gương điển hình trong bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng nhằm tạo sự lan tỏa trong việc nâng cao ý thức của chủ thể văn hóa đối với di sản này. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm nét truyền thống như: Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội diễn cồng chiêng, giao lưu văn hóa cồng chiêng, đốt lửa trại …nhằm thu hút đông đảo nhân dân tham gia và quảng bá nét văn hóa truyền thống này đến với du khách trong nước và quốc tế.

     Ông Võ Kim Thạch - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông cho biết: Định kỳ hàng năm, đơn vị đều tiến hành kiểm kê số liệu các dàn cồng chiêng trên địa bàn huyện và hiện còn 495 bộ cồng chiêng được lưu giữ tại các hộ gia đình và Phòng Truyền thống của huyện. Đến nay, 100% số xã đã thành lập đội cồng chiêng và tần số tổ chức sinh hoạt cồng chiêng tại các xã rất cao, bình quân một lần/tháng. Đại đa số các thôn làng đều có đội cồng chiêng để thực hiện các nghi thức sinh hoạt cồng chiêng khi làng có lễ hội…Ngoài ra, toàn huyện có 4 đội chiêng bán chuyên nghiệp nhằm phục vụ các hoạt động đón tuor du lịch, tham gia tuần lễ văn hóa và du lịch cũng như các hoạt động chính trị khác do huyện và tỉnh tổ chức, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa của người Mơ Nâm nơi đây đến với du khách trong và ngoài nước.

     Đặc biệt, công tác truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng được quan tâm triển khai thường xuyên và liên tục với nhiều phương thức khác nhau. Trong đó chủ yếu sử dụng phương thức cha truyền con nối, mở 2 lớp truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cho 60 học viên trẻ tuổi và đưa công tác giáo dục Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào trong trường học một cách phù hợp.

     Ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết thêm:    Huyện đã triển khai các chính sách tác động đến việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng và chú trọng phục dựng các lễ hội truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh và nhu cầu thẩm mỹ trong đời sống âm nhạc dân gian. Ngoài ra, phối hợp đề xuất với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tạo điều kiện cho các thôn làng không có cồng chiêng được hỗ trợ cấp cồng chiêng và đãi ngộ đối với các đội cồng chiêng có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa công chiêng. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với các nghệ nhân cồng chiêng, khuyến khích các gia đình, cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, tăng cường công tác trưng bày, giới thiệu cồng chiêng cổ truyền của đồng bào các dân tộc tại chỗ trên địa bàn trong Phòng Truyền thống của huyện và tổ chức, duy trì, tham gia ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội liên hoan cồng chiêng ở các cấp hàng năm.

     Các cá nhân, đơn vị, cộng đồng và các tổ chức xã hội trên địa bàn huyện cũng luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, tạo bước chuyển biến căn bản và tiến bộ rõ rệt về công tác xã hội hóa văn hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cụ thể, đã có một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch ở trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức các hình thức du lịch sinh thái gắn với các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như: diễn tấu cồng chiêng, phục dựng một số lễ hội liên quan đến không gian văn hóa cồng chiêng để phục vụ khách du lịch, nhằm quảng bá và tạo điều kiện để du khách trong nước và quốc tế hiểu thêm về không gian văn hóa cồng chiêng…

     Nhờ đó, năm 2015, toàn huyện đã có 3 nghệ nhân: Y Nâng, A Grang, A Pía đều ở thôn Kon Du, xã Măng Cành vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian truyền dạy và bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Năm 2017 vừa qua, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiến hành xây dựng, tổng hợp hồ sơ cho 9 nghệ nhân trình UBND tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2018.

         Hy vọng trong tương lai, sức sống của di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện Kon Plông vẫn mãi trường tồn với thời gian, bởi đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã, đang và sẽ ngày đêm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng trong sự giao thoa với các trào lưu văn hóa của mọi miền đất nước và toàn cầu.

Box: Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hiện nay, sức sống của di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện Kon Plông gần như vẫn còn tồn tại nguyên vẹn cả về chất lượng và số lượng. Điều đó đã được minh chứng, trên địa bàn huyện hiện vẫn còn 495 bộ cồng chiêng, 100% số xã đã thành lập đội cồng chiêng và tần số tổ chức sinh hoạt cồng chiêng tại các xã rất cao, bình quân một lần/tháng.

Bài và ảnh: Vĩnh Hà (Trần Văn Phúc)
Số lượt xem:3054

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Hinh Anh
 
 
Chuyen doi so
 

 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 

 
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh

 
Hinh Anh
 


 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN KON PLÔNG - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Trưởng Ban biên tập: Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông
Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao -Du lịch & Truyền thông huyện Kon Plông.
Địa chỉ: Đường Nguyễn Huệ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 02603.848.175 ; Fax: 02603.848002; Email: ubndkonplong-kontum@chinhphu.vn.
Bản quyền thuộc về Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Chung nhan Tin Nhiem Mang
1576361 Tổng số người truy cập: 2647 Số người online:
Phát triển:TNC