Chiều ngày 26/6, Ban chỉ đạo giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống huyện Kon Plông tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Đồng chí Đào Duy Khánh, Tỉnh ủy Viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện là thành viên Ban Chỉ đạo huyện.
Thời gian qua, huyện Kon Plông đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Đến nay, nhìn chung cán bộ và Nhân dân vùng dân tộc thiểu số đã được trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật, đặc biệt là Luật hôn nhân và gia đình, Phiên tòa giả định, từng bước tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, góp phần thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt trên địa bàn huyện Kon Plông không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống xảy ra. Qua việc triển khai thực hiện các nội dung đã giúp các tầng lớp Nhân dân và thanh-thiếu niên hiểu được tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra, đồng thời thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động những người xung quanh, để trẻ sinh ra không bệnh tật, gia đình được ấm no, hạnh phúc.
Trong thời gian tới, huyện Kon Plong tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Triển khai có hiệu quả tiểu dự án 2 của Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác tư vấn về sức khỏe sinh sản cho các em gái nhằm hạn chế tối đa các trường hợp làm mẹ đơn thân dưới 18 tuổi. Tiếp tục nhân rộng mô hình “Phiên tòa giả định” đến các tầng lớp Nhân dân; Đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Pháp luật về hôn nhân và gia đình tại địa bàn khu dân cư