Chiều ngày 09/8, Trường Đại học Cần Thơ cơ sở tại huyện Kon Plông tổ chức Hội thảo khoa học Ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Cần Thơ nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu ứng dụng được triển khai trong thời gian qua cùng với những sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng tại tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Môi trường, Bộ giáo dục và Đào tạo; GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ; Lãnh đạo các sở ngành của tỉnh và phòng ban các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum và các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông. Về phía huyện Kon Plông tham dự hội thảo có đồng chí Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng lãnh đạo các phòng ban liên quan của huyện.
Tại Hội thảo, các nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đã báo cáo kết quả nghiên cứu ứng dụng 11 đề tài với nguồn kinh phí thưc hiện khoảng 8 tỷ đồng, trong đó có 04 đề tài của tỉnh Kon Tum và 07 đề tài của Trường Đại học Cần Thơ. Các đề tài đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của tỉnh Kon Tum nói chung và của huyện Kon Plông nhằm tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh và lan tỏa ra khắp vùng Tây Nguyên. Sau hơn 5 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu thành công đề tài sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá Niên tại huyện Kon Plông, đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, hiện nay mô hình đang được nhân rộng ra trong khu vực Tây Nguyên. Cùng với đó, Trường Đại học Cần Thơ đang tiếp tục nghiên cứu mô hình nuôi cá Trà sóc và cá Hô trên sông Se San; Nghiên cứu phục tráng giống lúa nếp than, cây có múi, và các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh và Nghiên cứu chất lượng đất phục vụ quy hoạch nông nghiệp của huyện Kon Plông…
Các đại biểu tham dự tại hội thảo đã đánh giá cao công tác nghiên cứu của các đề tài phù hợp với thực tế và mang lại nhiều hiệu quả; đồng thời thảo luận, đóng góp ý kiến về các vấn đề nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, phát triển các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, lĩnh vực đột phá ở địa phương; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; phát triển, chế biến dược liệu; phát triển du lịch; nghiên cứu, ứng dụng phục vụ quá trình chuyển đổi số... nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.