Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến huyện Kon Plông có các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy-UBND huyện; thành viên Ban Chỉ đạo công tác quản lý và bảo vệ rừng của huyện; lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện; lực lượng vũ trang; các đơn vị chủ rừng; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã.
Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng Toàn quốc năm 2016, tổng diện tích có rừng là hơn 14.377.680 ha, tăng hơn 315.820 ha so với năm 2015. Độ che phủ rừng đạt 41,2%, tăng 0,35% so với năm 2015. Giá trị lâm nghiệp, sản lượng gỗ rừng trồng, giá trị xuất khẩu đồ gỗ giai đoạn 2013 -2016 đều tăng hơn so với những giai đoạn trước. Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách. Hàng năm, thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng, chi trả cho trên 5,4 triệu ha rừng. Năm 2017 ước thu khoảng 1.650 tỷ đồng.
Về tổng quát, bằng nhiều cơ chế, chính sách mới và sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ, phát triển rừng, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên diện tích rừng tiếp tục giảm, diện tích rừng hiện có là 2.558.646 ha, giảm 3.170 ha so với năm 2015.
9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại 1.257 ha. So với năm 2016, số vụ vi phạm giảm 21%, diện tích rừng bị thiệt hại giảm khoảng 71%. Riêng khu vực Tây Nguyên, 9 tháng đầu năm 2017, số vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng giảm 10%, song diện tích rừng bị thiệt tăng 23 ha so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 53,7% tổng diện tích rừng bị thiệt hại cả nước.
Thảo luận tại Hội nghị, các địa phương, các bộ, ngành liên quan đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, quản lý, phát triển rừng nói chung và quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên nói riêng. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là quản lý rừng tự nhiên hiện có vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa lâu dài; phải được quan tâm chỉ đạo thường xuyên như nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Do vậy các cấp, ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, với các giải pháp đồng bộ như chấm dứt khai thác gỗ rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên hiện có sang các mục đính khác; các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng phải khẩn trương hoàn thành trách nhiệm trồng rừng thay thế; không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, rừng ngập mặn; ngăn chặn hành vi phá rừng; từng bước khôi phục, phát triển diện tích, chất lượng rừng, nhất là phòng hộ đầu nguồn, ven biển.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể cho các địa phương, các bộ ngành liên quan về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới./.