Phát huy thế mạnh của địa phương về phát triển các loại rau quả xứ lạnh, ngày 02/1/2024, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông ban hành Chỉ thị số 01 về việc xây dựng mỗi hộ một “Vườn rau gia đình” để cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày, hướng đến cung cấp rau tiêu thụ tại Khu du lịch Măng Đen, trong tỉnh và trong nước.
Với mục tiêu phấn đấu mỗi xã, thị trấn xây dựng ít nhất một mô hình vườn rau xanh với diện tích từ 50-100 m2 trong khuôn viên trụ sở cơ quan hoặc trên diện tích đất được giao quản lý. Mỗi hộ gia đình ở khu vực nông thôn có 01 vườn rau xanh, với diện tích từ 20m2 trở lên; các hộ gia đình ở khu vực đô thị tận dụng các khoảnh đất trống nhỏ, sân thượng để trồng các loại rau sạch. Phấn đấu đến hết năm 2024, huyện Kon Plông hoàn thành mục tiêu mỗi hộ dân đều có một “Vườn rau gia đình”.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngay từ những ngày đầu năm 2024, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cải tạo vườn tạp, bố trí quỹ đất để trồng rau xanh gắn với tổ chức các hoạt động ra quân thực hiện vườn rau gia đình để cải thiện dinh dưỡng bữa ăn và cung cấp nguồn rau sạch ra thị trường, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập người dân.
Ngoài ra, huyện Kon Plông bố trí nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân phát triển các loại rau; đồng thời triển khai các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trồng rau tại thị trấn Măng Đen, Măng Cành và xã Hiếu; hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Rau xứ lạnh Măng Đen để tập trung hỗ trợ, liên kết phát triển thương hiệu rau xứ lạnh Măng Đen.
Các xã, thị trấn đã đăng ký diện tích thực hiện vườn rau, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai cho 2.293 hộ gia đình, 29 đơn vị trường học, 4 trạm y tế với tổng diện tích 161 ha. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông hiện có hơn 1.500 hộ dân trồng hơn 50 ha rau, củ, quả các loại. Đối với các cơ quan, đơn vị, trường học đã thực hiện trồng hơn 4,5 ha. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã thực hiện trồng rau theo mô hình điểm với các loại rau củ có giá trị dinh dưỡng cao như: cải bó xôi, cải hàn quốc, bắp sú, rau rừng, củ dền, bắp cải…để cung cấp cho thị trường tiêu thụ.
Nhằm tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển rau hoa quả xứ lạnh, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân vùng dân tộc thiểu số, huyện Kon Plông đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhất là trồng, chăm sóc các loại rau, hoa xứ lạnh và cây dược liệu; phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tiến hành khảo sát quỹ đất trống, diện tích đất canh tác cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, chú trọng tổ chức cho người dân là đồng bào thiểu số đi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, để ứng dụng tại địa phương dần nâng cao nhận thức trong việc cải tạo vườn tạp, thay đổi tư duy, đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và liên kết chuỗi giá trị.
Với sự quyết tâm của hệ thống chính trị và sự chuyển biến trong nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Kon Plông sẽ thực hiện thành công trong việc xây dựng Kon Plông trở thành vùng trồng rau hoa xứ lạnh lớn của tỉnh, xây dựng thương hiệu rau xứ lạnh Măng đen./.