Mấy nay, chị bạn làm homestay ở Măng Đen (Kon Plông) tất bật chuẩn bị thật chu đáo để đón khách đến du lịch. Chị nói, từ giữa tháng 4, khách đã đặt kín chỗ, càng gần kỳ nghỉ lễ lại càng có nhiều khách liên hệ đặt phòng, nhưng đành chịu. Để hỗ trợ du khách, chị có liên hệ, giới thiệu đến các cơ sở lưu trú khác nhưng đều chung cảnh “cháy” phòng.
Hiện nay, tại Măng Đen có khoảng 100 cơ sở lưu trú với quy mô hơn 1.000 phòng, vẫn “cháy” phòng vào các dịp lễ, kỳ nghỉ. Đó là tín hiệu vui cho du lịch của huyện Kon Plông nói riêng và tỉnh nhà nói chung. Nhiều người tin rằng, với đà này, tỉnh nhà sẽ phấn đấu đạt được chỉ tiêu 2,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Dù chưa có đủ sự xa hoa, sang trọng, cũng như vẫn còn thiếu nhiều tiện ích so với các điểm đến lớn, song, với đặc trưng rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ, yên bình, Măng Đen đã trở thành điểm đến cho các du khách trong và ngoài tỉnh, nhất là khi tiết trời oi bức. Dễ nhận thấy, đi cùng với vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên và khí hậu, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện ngày càng bắt nhịp phát triển và để lại ấn tượng cho du khách khi đến tham quan. Do đó, nhiều đoàn khách vẫn “say” và tìm về Măng Đen sau nhiều lần du lịch ở nơi đây.
|
Các hoạt động lễ hội ở Măng Đen luôn thu hút du khách. Ảnh: VN |
|
Ngoài việc phát triển của các công ty, dịch vụ, phải kể đến việc chú trọng phát triển du lịch của huyện Kon Plông. Cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư phát triển; đường sá thuận tiện giúp du khách dễ dàng tiếp cận được các điểm đến. Đặc biệt, huyện luôn chớp các cơ hội kích cầu và phát triển du lịch trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế trên địa bàn.
Như thời điểm này, để thu hút du khách, UBND huyện Kon Plông đã sắp xếp, tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi, đặc trưng chào mừng kỷ niệm ngày thống nhất đất nước trong suốt 12 ngày (từ 23/4-4/5) tại Không gian văn hóa thiên đường Tây Nguyên – Măng Đen. Như vậy, lựa chọn đến Măng Đen vào dịp này, du khách không chỉ được tham quan các danh lam, thắng cảnh, nghỉ dưỡng, mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động tìm hiểu về văn hóa truyền thống, bản địa của người dân địa phương.
Song song với việc sẵn sàng tổ chức các hoạt động, các sản phẩm du lịch cũng được chuẩn bị kỹ càng. Ngoài ra, các trung tâm hỗ trợ du khách, tư vấn thông tin du lịch “lên dây cót” phục vụ, giúp du khách dễ dàng nắm bắt thông tin về các điểm đến, dịch vụ lưu trú, để mỗi ngày tìm đến Măng Đen đều là một ngày ấn tượng với những khoảnh khắc ý nghĩa.
Đặc biệt, để xây dựng Măng Đen là điểm đến thân thiện, UBND huyện thường xuyên quán triệt, yêu cầu các địa điểm du lịch, cơ sở kinh doanh, lưu trú trên địa bàn niêm yết công khai giá cả, tránh tình trạng “chặt chém” du khách; chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, khi địa phương đang trong cao điểm mùa khô, huyện cũng yêu cầu các cơ sở lưu trú thực hiện nghiêm các điều kiện về phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường.
|
Dịch vụ cưỡi ngựa ở Măng Đen cũng là hoạt động để lại ấn tượng trong lòng du khách. Ảnh: VN |
|
Bên cạnh việc đảm bảo an toàn thực phẩm, để xây dựng môi trường du lịch chất lượng và an toàn, các cơ sở kinh doanh vận tải hành khách cũng chú ý đảm bảo an toàn cho du khách. Theo đó, ngoài việc quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng “chặt chém”, đẩy giá dịch vụ lên quá cao so với ngày thường, các cơ sở cũng quán triệt đội ngũ lái xe thực hiện đạo đức người lái xe và tuân thủ, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
Với những nỗ lực trên, Măng Đen mỗi ngày đều chuyển mình mới hơn, hấp dẫn hơn để đón khách; để mỗi du khách đến đây đều “say” với thiên nhiên, với các hoạt động hấp dẫn.
Dù được chuẩn bị kỹ càng, song cùng với lượng khách đặt trước các dịch vụ lưu trú, ăn uống, lượng khách tự túc đến du lịch dự báo đông nghịt cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Do đó, mỗi du khách cần chủ động chuẩn bị, trang bị cho mình những kỹ năng du lịch cần thiết, tránh tình trạng du lịch “mệt nhiều hơn vui”, để tận hưởng kì nghỉ lễ vui, hạnh phúc bên người thân, bạn bè.