Cảnh giác với thông tin sai sự thật trên mạng xã hội |
13-6-2018 |
Với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã và đang khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, mạng xã hội cũng đang trở thành công cụ bị lợi dụng để thực hiện những hành vi xấu, trong đó có việc đăng tải, lan truyền những thông tin sai sự thật có thể gây hậu quả khôn lường. |
Hình ảnh trên facebook đưa tin sai sự thật máy bay rơi tại Nội Bài-Hà Nội |
Hình ảnh trên facebook đưa tin sai sự thật máy bay rơi tại Nội Bài-Hà Nội. Ngày 30/6/2017, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, xe khách 16 chỗ mang BKS 82B-002.23 chạy hướng Kon Tum-Quảng Nam đã tông trực diện với xe khách 16 chỗ mang BKS 82B-002.45 đang lưu thông theo chiều ngược lại. Vụ tai nạn làm 4 người chết, 13 người bị thương. Đáng chú ý, trong đó có 01 nạn nhân nhiễm HIV và có 24 người nghi ngờ bị phơi nhiễm khi tham gia cứu nạn. Sau vụ tai nạn, một tài khoản facebook có tên “Le tung” đã đăng tải bài viết về việc các nạn nhân trong vụ tai nạn trên phải nộp 5 triệu đồng/liều thuốc phơi nhiễm HIV thì mới được chữa trị. Trước thông tin trên, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã bác bỏ và khẳng định đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Bởi lẽ, ngay khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế và Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã cử cán bộ xuống hiện trường trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn cùng người dân, sau đó tất cả 24 người tiếp xúc với máu nạn nhân nhiễm HIV đã được cấp thuốc AVR điều trị phơi nhiễm theo đúng quy tắc ngành y và không hề thu một đồng phí nào. Cùng với đó, thời gian qua, hàng loạt những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội như bắt cóc trẻ em ở Hải Phòng, máy bay rơi ở Nội Bài-Hà Nội, hai cô gái hiếp dâm nam thanh niên đến tử vong ở Bình Thuận, hai người dân đi mua gỗ bị đánh đập và đốt rụi chiếc xe ô-tô có giá trị lớn do nghi ngờ có dấu hiệu bắt cóc trẻ em ở Hải Dương, hai mẹ con tử vong khi sinh thuận tự nhiên ở Quận 2, TP.Hồ Chí Minh… không chỉ gây hoang mang, bức xúc trong quần chúng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT tại địa phương. Có thể thấy đây chỉ là một trong số ít những hiện tượng đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội đã xảy ra gần đây ở Kon Tum nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung. Bên cạnh những tiện ích mang lại thì công tác quản lý việc sử dụng mạng xã hội như thế nào để phát huy hiệu quả, tránh việc đăng tải, truyền bá những thông tin thất thiệt, sai sự thật hoặc những bài viết có nội dung xấu, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung vẫn còn là một bài toán khó với nhiều cơ quan, ban ngành chức năng. Trong xã hội hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin thì đời sống trên mạng xã hội không còn là ảo mà nó liên hệ trực tiếp và ảnh hưởng đến đời sống thực của mỗi người. Đặc biệt, thông tin trên mạng xã hội có phạm vi tiếp cận rộng rãi, tốc độ lan truyền nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm. Các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhưng gần như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn. Do đó, mạng xã hội luôn là đối tượng dễ bị lợi dụng làm công cụ xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu người khác, gièm pha, làm mất uy tín, hình ảnh của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bị hại. Thậm chí, đôi khi đơn giản chỉ vì muốn câu “like”, muốn được nổi tiếng trên cộng đồng mạng mà rất nhiều người đã sẵn sàng bịa đặt các câu chuyện không có thật và đăng tải trên các trang mạng xã hội. Nghiêm trọng hơn, các thế lực thù địch và bọn phản động còn lợi dụng mạng xã hội như một công cụ hiểu quả cho các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, đăng tải thông tin, video, clip đã cắt ghép, sai bản chất sự việc… nhằm hạ uy tín cán bộ, cơ quan, ban ngành và Đảng, Nhà nước ta; kích động, xúi giục người dân tụ tập đông người biểu tình, bạo loạn gây rối ANTT… Với sự lan truyền nhanh chóng, hậu quả từ những thông tin sai sự thật đăng tải trên mạng xã hội gây ra là rất lớn. Trong một số trường hợp, người bị hại rơi vào trầm cảm, xấu hổ, công việc, học tập bị ảnh hưởng chỉ vì những tin đồn thất thiệt, thậm chí tự tử vì không chịu được áp lực từ dư luận. Trong lĩnh vực kinh tế, từ người buôn bán nhỏ lẻ đến các công ty, tập đoàn lớn đều có thể trở thành nạn nhân của những thông tin thất thiệt, bôi nhọ trên mạng xã hội. Chúng không chỉ tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, dấy lên sự nghi ngờ, gây ra hoang mang, dao động dẫn đến làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước mà hệ lụy của những tin “độc” còn ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội. Nếu đạo đức xã hội bị phá hoại, văn hóa dân tộc bị mất bản sắc, an toàn xã hội bị đe dọa sẽ tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội, có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Thông tin & Truyền thông đã khẳng định, một trong những điểm nhấn của ngành thông tin, truyền thông năm 2017 là bước đầu đã đạt được kết quả tích cực trong việc đấu tranh với những luận điệu sai trái, xử lý thông tin xấu, độc, thông tin sau sự thật trên mạng xã hội. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc triển khai các biện pháp nhằm tăng cường việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà nổi bật là hai mạng xã hội lớn của hai doanh nghiệp nước ngoài Google và Facebook. Đến nay, phía Google và Facebook bước đầu đã có những hợp tác tích cực với phía Việt Nam, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube trong tổng số khoảng 5.000 video clip theo yêu cầu của Bộ Thông tin & Truyền thông. Theo đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước được Google đáp ứng yêu cầu cao nhất trên toàn thế giới. Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trước thực trạng thông tin thật - giả, tốt - xấu lẫn lộn diễn ra khá phổ biến, lực lượng Công an tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác trong phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với những hậu quả xấu do tin “độc” gây ra. Thông qua hình thức mời báo cáo viên tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trong sử dụng, tiếp cận các nguồn thông tin đăng tải trên mạng xã hội, không bình luận, chia sẻ những nguồn tin chưa được xác minh rõ ràng, mang tính giật “tít”, câu “view”, câu “like”. Khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng vấn đề nhạy cảm xảy ra trên địa bàn tỉnh để cắt ghép, xuyên tạc nhằm mục đích chống phá chính quyền, các lực lượng chức năng tiến hành rà soát, sàng lọc các tài khoản facebook đã chia sẻ, bình luận và like để tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục gỡ bỏ, không cho lan rộng. Xác định đảm bảo an ninh, an toàn thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, đến nay, vấn đề an ninh thông tin, phòng chống tin “xấu”, tin “độc” trong sử dụng mạng xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững ổn định. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin, truyền thông, bảo vệ quyền lợi công dân và đề cao tính thượng tôn pháp luật, nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật xử lý đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Theo đó, chủ thể có hành vi đăng tải các thông tin thất thiệt có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Chủ thể chịu thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chủ thể thực hiện hành vi bác bỏ thông tin đã đăng tải, xin lỗi và cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Về trách nhiệm hành chính, Khoản 3, Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước…” Về trách nhiệm hình sự, nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vu khống” theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người phạm tội có thể “…bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”. Ngoài ra, đối với trách nhiệm dân sự, nếu tung tin thất thiệt trên mạng xã hội gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Bên cạnh những chế tài xử lý, răn đe nghiêm khắc của pháp luật, thời gian tới, để hạn chế tình trạng đăng tải thông tin thất thiệt, sai sự thật lên mạng xã hội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết về pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác trong sử dụng Internet và mạng xã hội, cân nhắc kỹ trước khi bình luận, chia sẻ các luồng thông tin được tiếp cận để không vô tình tiếp tay cho kẻ xấu. |
Nguồn Công an tỉnh Kon Tum |
Số lượt xem:7850 |