Tổng kết mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống |
2-1-2019 |
Sáng ngày 30/11, tại huyện Kon Plông, Ban dân tộc tỉnh phối hợp với UBND huyện Kon Plông tổ chức Hội nghị tổng kết 03 năm thực hiện Mô hình điểm “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số” tại 02 xã Đắk Nên và Ngọk Tem. |
Hội nghị tổng kết 03 năm thực hiện Mô hình điểm “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số” |
Dự hội nghị có đồng chí Hà Hồng Duy - Phó Ban dân tộc tỉnh; Các đồng chí lãnh đạo huyện Kon Plông; đại diện lãnh đạo phòng dân tộc các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo các xã trên địa bàn huyện. Huyện Kon Plông có 09 đơn vị hành chính với 89 thôn và 117 làng. Toàn huyện có 02 xã thuộc khu vực II, 07 xã thuộc khu vực III với 78 thôn đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2017, toàn huyện có 6.790 hộ với 26.056 khẩu, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 5.841 hộ; trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số 2.725 hộ. Thực hiện Quyết định số 485/QĐ-UBND, ngày 06/5/2016 của UBND tỉnh Kon Tum về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình điểm theo Đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” trên địa bàn tỉnh. Ban dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thành viên lựa chọn 2 xã Đắk Nên và Ngọk Tem để thực hiện Mô hình điểm. Theo đó, đã thành lập 22 tổ tư vấn tại 22 thôn của 2 xã để tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, những người có uy tín. Hàng tháng tổ tư vấn tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tư vấn, các cuộc nói chuyện chuyên đề pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân địa phương. Đồng thời, kết hợp cung cấp các sản phẩm truyền thông trực quan như: lắp đặt 8 Pa nô, treo 44 khẩu hiệu, 22 bảng tuyên truyền và phát 2.500 tờ rơi. Tổ chức hội nghị Chuyên đề về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho nhân dân. Trong đó, riêng năm 2018, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Ban dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở y tế, Ban chỉ đạo mô hình điểm cấp xã, các tổ tư vấn thực hiện 11 Hội nghị chuyên đề tuyên truyền trực tiếp tại các thôn làng với hơn 700 người tham gia. Sau 3 năm triển khai Mô hình điểm, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn 2 xã Đắk Nên và Ngọc Tem giảm đáng kể, cụ thể: Tại xã Đắk Nên năm 2015 có 11 cặp tảo hôn thì đến năm 2018 giảm còn 02 trường hợp và không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Tại xã Ngọk Tem năm 2015 có 23 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống thì đến năm 2018 giảm còn 2 trường hợp tảo hôn và không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Cũng theo kết quả báo cáo của Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố, tổng số trường hợp tảo hôn trên địa bàn tỉnh năm 2018 là 172 trường hợp. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 170 trường hợp giảm 142 trường hợp so với năm 2017, có 1 cặp hôn nhân cận huyết thống giảm 2 trường hợp so với năm 2017. Qua đó, cho thấy nhận thức của cán bộ xã, thôn và người dân về trách nhiệm phối hợp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nâng cao. Nhân dịp này, Ban Dân tộc tỉnh đã tặng giấy khen cho 03 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn 02 xã ĐắK Nên và Ngọc Tem, huyện KonPlông. Tại Hội nghị, lãnh đạo Ban dân tộc tỉnh đã chuyển giao Mô hình điểm “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số” tại 02 xã Đắk Nên và Ngọk Tem cho UBND huyện Kon Plông quản lý, duy trì và thông qua danh sách các xã thực hiện mô hình trong thời gian tới./. |
Mỹ Hòa |
Số lượt xem:1922 |