Kon Plông trên đường đổi mới |
21-2-2018 |
Đã 16 năm rồi, kể từ ngày 31/1/2012 - ngày thành lập huyện Kon Plông mới - đến nay, mỗi lần đến thăm lại Kon Plông, chúng ta đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay đến diệu kỳ của một đô thị mới bên cạnh một vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo của đại ngàn Măng Đen tựa hồ như cổ tích. |
Tượng đài Chiến thắng Măng Đen |
Những ngày đầu năm nay, chúng tôi có dịp trở lại Măng Đen trong tiết trời lạnh buốt. Khắp các điểm du lịch sinh thái nơi đây hoa anh đào rực nở hồng cả một góc rừng. Đứng bên bờ hồ Đăk Ke ngắm cảnh du khách đắm mình trong sương chiều hòa cùng với dáng những cô sơn nữ Mơ Nâm dịu dàng trong trang phục truyền thống, chúng tôi càng thấy Măng Đen đẹp tựa bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn.
Ông A Đrêng - nghệ nhân đánh cồng chiêng của làng Kon Bring, xã Đăk Long - phấn khởi cho biết: Kể từ ngày thành lập huyện mới, đặc biệt từ khi Chính phủ đầu tư xây dựng Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen đến nay, bộ mặt Kon Plông đổi thay quá đỗi. Một đô thị bao quanh là núi đồi hoang sơ với khí hậu ôn hòa mát mẻ đã làm cho du khách thập phương thích thú vô cùng. Hơn nữa, nơi đây còn có các loại hình văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số rất đa dạng và phong phú, nên đã níu chân du khách. Chị Hoàng Thị Thu Uyên - du khách đến từ tỉnh Gia Lai - thảng thốt: Hôm nay Măng Đen đẹp quá! Nhớ cách đây mấy năm, tôi có đến và ở lại, nhưng đường sá, nhà cửa, các nhà hàng, tiệm buôn ở trung tâm huyện này đâu có đẹp và sang trọng như hiện nay. Đúng là Kon Plông đang thay đổi từng ngày! Còn tôi, cũng đã trên hai mươi năm gắn bó với mảnh đất này, cũng đã từng ngủ lại giữa rừng sâu khi ô tô lầy bánh, cũng thường đi bộ với các anh y tế dự phòng đến các làng đồng bào dân tộc thiểu số phòng chống bệnh tật bị con vắt leo theo ống quần cắn máu chảy tứa lưa...nên tôi hiểu được sự đổi thay hôm nay là cả một quá trình “dời núi, lấp sông” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện quyết tâm một lòng dựng xây quê hương giàu mạnh. Ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Khi thành lập huyện mới, tất cả cơ sở vật chất để làm việc của huyện đều phải xây dựng mới. Giữa bộn bề khó khăn vất vả, giữa lo toan cho sinh kế người dân, Đảng bộ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã hạ quyết tâm xây dựng Kon Plông trở thành một trong ba vùng động lực của tỉnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó du lịch sinh thái gắn với trồng các loại cây dược liệu, nuôi các loại động vật xứ lạnh là thế mạnh của huyện. Đến nay, toàn huyện đã có 95 dự án đăng ký và triển khai thực hiện dự án đầu tư với 6.371,66 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký là 8.617,81 tỷ đồng. Trong đó, đã có 61 dự án triển khai đi vào hoạt động, 34 dự án đã chấp thuận chủ trương. Riêng phát triển du lịch, chỉ tính năm 2017, tổng lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa bàn có trên 98.690 lượt, đem lại nguồn doanh thu khoảng 23,686 tỷ đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân. Đặc biệt, đến nay, toàn huyện đã triển khai trồng được 71,9 ha cây dược liệu, đạt 231,9% kế hoạch, chủ yếu là các loại như: hồng đẳng sâm, sa nhân, đương quy, đinh lăng, cà gai leo, nghệ... và đã bắt đầu thu hoạch, cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, vùng quy hoạch rau hoa xứ lạnh đã trồng được 87 ha, đạt 96,7% kế hoạch. Trong đó tập trung sản xuất các loại hoa như: ly, đồng tiền, tuy-lip, lay-ơn, cẩm chướng, cúc vàng, lan hồ điệp… và các loại quả như: cà chua, dâu tây, bắp cải… tập trung trồng chủ yếu tại Hợp tác xã rau hoa, dự án 37 hộ và các doanh nghiệp khác trong vùng dự án. Điều đáng phấn khởi nhất đó là các loại cây trồng như cà phê xứ lạnh và các loại cây dược liệu đã được UBND huyện triển khai rộng khắp trên địa bàn các xã, đồng thời đưa các giống mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, thực hiện khoanh vùng mở rộng diện tích 200 ha lúa gạo đỏ tại xã Măng Bút gắn với việc xây dựng cánh đồng lớn, liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ người dân trồng cây ngô làm thức ăn cho giá súc, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng sắn năng suất thấp sang trồng mới cây cà phê, trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, hướng dẫn nhân dân tận dụng diện tích ao hồ sẵn có để nuôi cá và đã nuôi được 30 ha với sản lượng thu được đạt 148,2 tấn.... Đô thị Măng Đen - điểm nhấn sức hút của du khách và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Kon Plông - đang ngày càng thay da đổi thịt. Chợ huyện, bến xe huyện đang gấp rút thi công để đưa vào sử dụng; những đường phố thênh thang đã xây dựng những ngôi nhà cao tầng hoành tráng; những dãy phố bán hàng cao cấp, những nhà hàng ăn uống tấp nập người vào ra...đã cho chúng ta thấy một Măng Đen đang từng ngày sầm uất. Đặc biệt, du khách đến với Măng Đen là đến với du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh, nên Chùa Khánh Lâm và Tượng Đức mẹ sầu bi nằm sâu giữa những cánh rừng già sẽ là nơi thưởng ngoạn lý tưởng thu hút du khách gần xa đến với Măng Đen, đến với Kon Plông...
Nhờ đó, năm 2017 vừa qua, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt trên 945 tỷ đồng và thu nhập bình quân đạt 20,43 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế nông-lâm-thủy sản chiếm 26,45%, công nghiệp - xây dựng chiếm 47,93 %, thương mại - dịch vụ chiếm 25,62% và tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 11,78%, trong đó nông-lâm-thủy sản tăng 15,34%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,34%, thương mại - dịch vụ tăng 18,76%... Ông Nguyên Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông khẳng định: Sau 16 năm thành lập huyện đến nay, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn phát triển ổn định. Trong đó, huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng diện tích trồng các loại cây dược liệu gắn với việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao chất lượng thể trạng của đàn gia súc. Đặc biệt, huyện đã ưu tiên vốn đầu tư tăng cường cho cơ sở hạ tầng trung tâm huyện và hạ tầng nông thôn xây dựng nông thôn mới, nên nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và lượng khách du lịch đến địa bàn ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Hôm nay, đi trên những con đường mới mở của huyện Kon Plông, ngước nhìn không gian đô thị Măng Đen hoành tráng, nghỉ dưỡng bên hồ Đăk Ke, lắng nghe dòng thác Pa Sỹ rì rào, ngắm tượng nhà mồ giữa cánh rừng hoang, thăm thú vườn hoa sắc màu sặc sỡ, cùng với những nụ cười bẽn lẽn của các sơn nữ Mơ Nâm duyên dáng tuyệt trần….ta như đi vào chốn cảnh bồng lai, mới thấy được Kon Plông đang rạo rực hồn xuân cùng với đất trời, nước non ngày mới.
Box: Năm 2017 vừa qua, tổng giá trị sản xuất của huyện Kon Plông đạt trên 945 tỷ đồng, tăng gấp nhiều lần so với năm 2012 và thu nhập bình quân đạt 20,43 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế nông-lâm-thủy sản chiếm 26,45%, công nghiệp - xây dựng chiếm 47,93 %, thương mại - dịch vụ chiếm 25,62% và tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 11,78%, trong đó nông-lâm-thủy sản tăng 15,34%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,34%, thương mại - dịch vụ tăng 18,76%... |
Bài và ảnh: Trần Văn Phúc |
Số lượt xem:1201 |