Kon Plông: Phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
1-1-2025 |
Trong năm 2024, huyện Kon Plông tập trung triển khai hiệu quả các đề án, chương trình về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với công tác phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó, đã lan tỏa niềm tự hào, vẻ đẹp truyền thống của cộng đồng các DTTS, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển du lịch cho địa phương.
Tại thôn Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen), với sự chung tay hỗ trợ của Hội LHPN các cấp và sự đồng hành, tài trợ của tổ chức phi chính phủ Plan, 52 hội viên phụ nữ (đều là người Mơ Nâm) đã xây dựng được các mô hình về “Dịch vụ lưu trú-homestay”, “phát triển chăn nuôi và dịch vụ ẩm thực”, “nghề đan lát truyền thống” và “múa xoang cồng chiêng”. Chị Y Bé-Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Măng Đen, đồng thời cũng là thành viên mô hình “Dịch vụ lưu trú-homestay” chia sẻ, việc triển khai các mô hình đã giúp hội viên phụ nữ DTTS trong thôn Kon Vơng Kia gìn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc và có thêm kỹ năng để làm du lịch. “Các mô hình đều được chị em hội viên duy trì hoạt động hiệu quả và bước đầu đã tạo thêm nguồn thu nhập cho các chị em”, chị Y Bé cho biết. Theo bà Y Hiệp-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và cải tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp tại các thôn vùng đồng bào DTTS, triển khai công tác phục dựng các giá trị di sản văn hóa, đào tạo nâng cao năng lực làm du lịch cho các cộng đồng DTTS và tăng cường giới thiệu các sản phẩm truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. “Hiện nay, bà con đồng bào DTTS ở thị trấn Măng Đen thường xuyên tổ chức truyền dạy cách đánh cồng chiêng, múa xoang, hát giao duyên, chế tác nhạc cụ dân tộc, nấu rượu cần và đan lát cho thế hệ trẻ cũng như tích cực tham gia biểu diễn cồng chiêng, múa xoang tại các sự kiện văn hóa-du lịch do tỉnh và huyện tổ chức. Trên địa bàn thị trấn Măng Đen còn có 10 hộ đồng bào DTTS đang kinh doanh dịch vụ lưu trú-homestay”, bà Y Hiệp nói. Tại xã Măng Cành (huyện Kon Plông), bà con đồng bào DTTS ở thôn Kon Chênh đã và đang tích cực duy trì nghề truyền thống, triển khai xây dựng các cơ sở lưu trú, cải tạo khuôn viên nhà ở và cảnh quan của thôn cũng như tích cực trồng, chăm sóc, tham gia liên kết sản xuất vùng nguyên liệu cà phê xứ lạnh để phát triển mô hình “Làng cà phê Kon Chênh”. Ông A Niu-Trưởng thôn Kon Chênh cho biết, văn hóa cồng chiêng múa xoang và chế tác nhạc cụ dân tộc luôn được các nghệ nhân trong thôn Kon Chênh duy trì hoạt động. Các sản phẩm đan lát truyền thống do bà con trong thôn làm được nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm du lịch ở Khu du lịch sinh thái Măng Đen quan tâm, đặt mua. Hiện nay, thôn Kon Chênh có 9 cơ sở lưu trú-homestay, trong đó, có 6 cơ sở đang hoàn thiện xây dựng. Với sự chung tay của bà con Nhân dân trong thôn, diện mạo thôn Kon Chênh thay đổi khởi sắc từng ngày, tạo được sức hấp dẫn và thu hút du khách đến tham quan du lịch. Tại xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông), trong năm 2024, xã đã tập trung triển khai công tác kiện toàn và xây dựng lực lượng để đảm bảo mỗi thôn trên địa bàn xã có 2 đội cồng chiêng múa xoang (gồm đội người lớn tuổi và đội học sinh). Bên cạnh đó, xã còn chú trọng tổ chức các lớp truyền dạy hát giao duyên, phục chế nghề rèn, chế tác nỏ và chế biến rượu cần, triển khai đầu tư, cải tạo đường làng, ngõ xóm, phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức về làm du lịch và huy động Nhân dân sửa chữa nhà rông truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Bay-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, trong thời gian tới, xã Đăk Tăng sẽ triển khai thành lập và ra mắt Hội quán Du lịch-Nông nghiệp, tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả của các đội cồng chiêng múa xoang trên địa bàn, hỗ trợ trang phục truyền thống cho đội nghệ nhân thôn Vi Rơ Ngheo và xây dựng thêm 6 cơ sở lưu trú-homestay. “Địa phương chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 có khoảng 1.200 lượt khách đến tham quan du lịch”, ông Bay nói. Hiện nay, toàn huyện Kon Plông có hơn 86,6% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm và Ca Dong) và dân tộc Hrê. Văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện khá đa dạng với các loại hình, gồm lễ hội, di sản văn hóa cồng chiêng, nhà rông truyền thống, nhà dài truyền thống, các nghề truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, các phong tục tập quán tốt đẹp. Trong năm 2024, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Kon Plông đã chú trọng nghiên cứu, đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc để xây dựng các chương trình trải nghiệm, các sản phẩm du lịch đặc trưng, hướng tới phát triển thương hiệu du lịch cho huyện, như: Dự án “Đầu tư làng truyền thống tiêu biểu Vi Rơ Ngheo” tại xã Đăk Tăng, mô hình “Làng cà phê Kon Chênh” tại xã Măng Cành, đề án “Bảo tàng sinh thái tại thôn Kon Vơng Kia” tại thị trấn Măng Đen. Các đơn vị, địa phương của huyện Kon Plông còn quan tâm đầu tư phát triển nghề truyền thống cũng như phục dựng trang phục và các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS; triển khai công tác khảo sát, thống kê di sản văn hóa trên địa bàn huyện; thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ phục vụ khách du lịch tại các thôn đồng bào DTTS; vận động Nhân dân đầu tư, phát triển các cơ sở lưu trú; tổ chức các lớp tập huấn về phát triển du lịch cộng đồng bền vững và khuyến khích các nghệ nhân dân gian trao truyền di sản văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ. Ông Đặng Đình Toán-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông chia sẻ, trên địa bàn huyện hiện nay có các cộng đồng thôn, gồm Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng), Kon Pring và Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen), Kon Chênh (xã Măng Cành) và các hộ dân, nghệ nhân ưu tú, gồm A Hiền, Y Lim, A Đruế, A Nuông, A Lễ, A Gông, A Nấc, Y Bé; đây là những tập thể, cá nhân tiêu biểu đang làm tốt việc khai thác và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để làm du lịch cộng đồng. Sự nỗ lực của các tập thể, cá nhân tiêu biểu trên đã thúc đẩy phát triển du lịch cho địa phương và góp phần nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào DTTS. “Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình của Trung ương, của tỉnh về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng và biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, để qua đó, vừa gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS tại chỗ, vừa tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với địa phương”, ông Toán cho biết. Bài, ảnh: Đức Thành |
Đức Thành |
Số lượt xem:76 |