Hội thảo đầu bờ đề tài “Nghiên cứu nguồn thức ăn để phát triển bền vững mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên”. |
6-12-2024 |
Sáng 6/12, tại xã Đắk Ring, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông tổ chức hội thảo đầu bờ đề tài “Nghiên cứu nguồn thức ăn để phát triển bền vững mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên”.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia của Trường Đại học Cần Thơ thực hiện tại xã Đắk Ring, cá niên loài cá nước ngọt, sống tập trung ở những vùng nước sâu, dọc theo các con sông, suối, thác có chất lượng nước tốt, sạch, độ trong cao. Cá niên khi trưởng thành có chiều dài từ 15 - 25 cm. Thân cá có màu ánh bạc, phần các vi pha chút màu vàng nhạt, óng ánh. Loài cá này ăn rong, rêu bám trên các gờ đá. Thịt cá niên trắng, thơm, không tanh và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên do cấu trúc xương của nhiều loài cá nuôi thường có biểu hiện cứng hơn, xớ thịt cá thường khô, không mịn và trắng so với sản phẩm cá phát triển trong điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng nhiều đến thị hiếu của người tiêu dùng. Chính vì vậy đề tài: “Nghiên cứu nguồn thức ăn để phát triển bền vững mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên” được thực hiện. Đề tài được nghiên cứu thực hiện ở 05 nội dung bao gồm: khảo sát điều kiện môi trường nước, phân tích và đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng cá niên; thực nghiệm thiết kế- xây dựng và vận hành, quản lý mô hình thực nghiệm tác động công nghệ cải thiện chất lượng cá niên thương phẩm gắn với mục tiêu và điều kiện sinh thái ở địa phương; xây dựng quy trình ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tác động, vận hành và quản lý mô hình nuôi cải thiện chất lượng các niên thương phẩm, góp phần bảo tồn và duy trì và phát triển bền vững nguồn lợi cá niên bản địa phân bố trong vùng; phân tích hiệu quả tài chính, lợi nhuận mang lại từ mô hình nuôi; tập huấn kỹ thuật và phát triển nhân rộng mô hình, nâng cao lợi nhuận cho hộ sản xuất. Theo đó, nguồn thức ăn dùng để nuôi cá niên là các loài rong tảo bám trên bề mặt các loại giá thể đặt dọc bờ ao, ngoài ra bổ sung bột sâm dây dao động từ 4% trộn với thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 42% trước khi cho cá ăn. Lượng thức ăn cho cá được tính theo khối lượng thân và điều chỉnh tùy theo khả năng ăn mồi và điều kiện thức ăn tự nhiên có trong ao nuôi cùng với điều kiện môi trường biến động, tình trạng sức khỏe của cá… Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các nội dung, phương pháp nghiên cứu của đề tài, chia sẻ về quy trình nuôi cá niên bằng nguồn thức ăn tự nhiên, bàn giải pháp nhằm chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân để ứng dụng vào thực tiễn. Với tiềm năng về phát triển du lịch, hàng năm huyện Kon Plông đón khoảng hơn 01 triệu lượt khách đến địa bàn. Nhu cầu phát triển đa dạng các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương để đáp ứng nhu cầu thị trường là rất lớn, trong đó có các sản phẩm từ “cá niên”. Do đó, việc tuyên truyền, nhân rộng các mô hình nuôi cá niên bằng nguồn thức ăn tự nhiên của các hộ dân tại xã Đăk Ring là rất cần thiết, nhằm giúp người dân tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển bền vững nguồn lợi cá niên trong tự nhiên tại địa phương./ |
Mỹ Hòa - Phạm Trọng |
Số lượt xem:32 |